Nhân chứng và khán giả

Thầy liên tục bảo chúng con "Hãy nhận biết," "Hãy là nhân chứng." Nhưng một tâm thức chứng kiến có thực sự ca hát, nhảy múa và nếm trải cuộc sống không? Nhân chứng có phải là khán giả đơn thần của cuộc sống và không bao giờ là người tham dự không? 

Anand Nur, tâm trí nhất định nêu ra câu hỏi này chẳng chóng thì chầy, bởi vì tâm trí rất sợ việc trở thành nhân chứng của bạn. Tại sao tâm trí lại sợ việc bạn trở thành nhân chứng thế? - bởi vì việc bạn trở thành nhân chứng là cái chết của tâm trí. 

Tâm trí là người làm, nó muốn làm mọi thứ, còn chứng kiến là trạng thái của không làm. Tâm trí sợ rằng, "Nếu mình trở thành nhân chứng, mình sẽ không được cần tới thêm nữa." Và theo một cách nào đó tâm trí là phải... 

Một khi nhân chứng nảy sinh trong bạn thì tâm trí phải biến mất, cũng giống như nếu bạn đem đèn vào trong phòng mình và bóng tối phải biến mất - điều đó là không tránh khỏi. Tâm trí có thể tồn tại chỉ nếu bạn vẫn còn ngủ say, bởi vì tâm trí là trạng thái của mơ và mơ có thể tồn tại chỉ trong giấc ngủ. 

Bằng việc trở thành nhân chứng bạn không còn ngủ nữa, bạn thức. Bạn trở thành nhận biết - trong như pha lê thế, trẻ trung và tươi tắn thế, sinh động và hiệu nghiệm thế. Bạn trở thành ngọn lửa - mãnh liệt, bùng cháy từ cả hai đầu - dường như, trong trạng thái của mãnh liệt đó của ánh sáng, của tâm thức, tâm trí chết đi, tâm trí tự tử. Do đó tâm trí sợ. 

Và tâm trí sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho bạn, nó sẽ nêu ra nhiều, nhiều câu hỏi. Nó sẽ làm cho bạn ngần ngại lấy cú nhảy vào cái không biết, nó sẽ cố gắng kéo bạn lại. Nó sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng, "Với tớ là an toàn, an ninh; với tớ cậu đang sống dưới chỗ trú ngụ, được canh gác chu đáo. Tớ sẽ chăm nom mọi bề cho cậu. Với tớ cậu hiệu quả, có kĩ năng. Khoảnh khắc cậu rời tớ, cậu sẽ phải bỏ lại mọi tri thức và cậu sẽ phải bỏ lại mọi an ninh, an toàn. Cậu sẽ phải vứt bỏ áo giáp của mình và cậu sẽ đi vào cái không biết. Cậu đang nhận nguy hiểm một cách không cần thiết chẳng bởi lí do nào cả." Và nó sẽ cố gắng đem những cách hợp lí hoá hay vào. Đây là một trong những cách hợp lí hoá mà gần như bao giờ cũng xảy ra cho mọi thiền nhân. 

Không phải là bạn, Anand Nur, người đang hỏi câu hỏi này; chính tâm trí, kẻ thù của bạn, người đang đặt ra những câu hỏi này qua bạn. Chính tâm trí đang nói, "Thưa Thầy kính yêu, Thầy liên tục bảo chúng con ‘Hãy nhận biết,’ ‘Hãy là nhân chứng.’ Nhưng một tâm thức chứng kiến có thực sự ca hát, nhảy múa và nếm trải cuộc sống không?" 

Có chứ, Anand Nur - thực tế chỉ tâm thức chứng kiến mới có thể thực sự ca hát, nhảy múa và nếm trải cuộc sống. Điều đó sẽ có vẻ như nghịch lí - nó thế đấy! Nhưng tất cả mọi cái thật thì bao giờ cũng nghịch lí, hãy nhớ. Nếu chân lí mà không nghịch lí thế thì nó không phải là chân lí chút nào, thế thì nó là cái gì đó khác.

Nghịch lí là phẩm chất cơ bản, cố hữu của chân lí - hãy để điều đó chìm vào trong trái tim bạn mãi mãi! Chân lí như thế chính là mang tính nghịch lí. Mặc dầu mọi nghịch lí không phải là chân lí, mọi chân lí đều là nghịch lí. Chân lí phải là nghịch lí bởi vì nó phải là cả hai cực - phủ định và khẳng định - và vậy mà siêu việt. Nó phải là sống và chết, và thêm nữa. Với "thêm nữa" tôi ngụ ý siêu việt lên trên cả hai - cả ha và không cả hai. Đó là nghịch lí tối thượng. 

Khi bạn ở trong tâm trí, làm sao bạn có thể hát được? Tâm trí tạo ra khổ sở; từ khổ sở không thể có bài ca nào được. Khi bạn trong tâm trí, làm sao bạn có thể nhảy múa được? Vâng, bạn có thể làm những cử chỉ trống rỗng nào đó gọi là điệu vũ, nhưng nó không phải là điệu vũ thực. 

Chỉ một Meera mới biết điệu vũ thực, hay một Krishna, hay một Chaitanya. Đây là những người biết điệu vũ thực. Người khác chỉ biết kĩ thuật nhảy múa, nhưng không có gì tuôn tràn cả; năng lượng của họ là tù đọng. Những người sống trong tâm trí đang sống trong bản ngã, và bản ngã không thể nhảy múa được. Điều đó có thể tạo ra việc biểu diễn nhưng không phải là điệu vũ. 

Điệu vũ thực xảy ra chỉ khi bạn đã trở thành nhân chứng. Thế thì bạn phúc lạc tới mức chính phúc lạc đó bắt đầu tuôn trào - đó là điệu vũ. Chính phúc lạc bắt đầu ca hát; bài ca nảy sinh theo cách riêng của nó. Và chỉ khi bạn là nhân chứng thì bạn mới có thể thưởng thức được cuộc sống. 

Tôi có thể hiểu câu hỏi của bạn, Anand Nur. Bạn lo lắng rằng bằng việc trở thành nhân chứng người ta sẽ đơn thuần trở thành khán giả của cuộc sống. Không, là khán giả là một điều, và là nhân chứng là điều hoàn toàn khác, khác về chất. 

Khán giả dửng dưng, người đó đờ đẫn, người đó đang trong một loại giấc ngủ. Người đó không tham gia vào cuộc sống. Người đó sợ, người đó là kẻ hèn nhát. Người đó đứng bên cạnh đường và đơn giản cứ nhìn người khác sống. Đó là điều bạn đang làm cả cuộc đời mình: ai đó khác đóng vai trong phim và bạn xem. Bạn là khán giả! Mọi người đều bị dính vào ghế hàng giờ trước chiếc ti vi - khán giả đấy. Ai đó khác hát, bạn nghe. Ai đó khác nhảy múa, bạn chỉ là khán giả. Ai đó khác yêu và bạn chỉ xem. Bạn không là người tham gia. Các nhà chuyên môn đang làm điều bạn đáng phải làm theo cách riêng của mình. 

Nhân chứng không phải là khán giả. Thế thì nhân chứng là gì? Nhân chứng là người tham gia vậy mà vẫn còn tỉnh táo. Nhân chứng là ở trong trạng thái vô vi. Đó là từ của Lão Tử: nó có nghĩa là hành động thông qua không hành động. Nhân chứng không phải là người đã trốn chạy khỏi cuộc sống. Người đó sống trong cuộc sống, sống còn toàn bộ hơn nhiều, đam mê hơn nhiều, nhưng vậy mà vẫn còn sâu bên dưới là người quan sát; cứ nhớ mãi rằng, "Mình là tâm thức." 

Hãy thử đi trên đường: hãy nhớ rằng bạn là tâm thức. Việc bước đi vẫn tiếp tục - và một điều mới được thêm vào, một sự giầu có mới được thêm vào, một cái đẹp mới. Cái gì đó bên trong được thêm vào cho hành động bên ngoài. Bạn trở thành ngọn lửa của tâm thức, và thế thì việc bước đi có niềm vui hoàn toàn khác cho nó; bạn ở trên đất và vậy mà chân bạn không chạm đất chút nào. 

Đó là điều Phật đã nói: Đi qua sông, nhưng đừng để nước làm ướt chân ông. 

Đó là nghĩa của biểu tượng hoa sen ở phương Đông. Bạn phải đã thấy tượng Phật, ảnh của ông ấy ngồi trên hoa sen - đó là biểu dụ. Hoa sen là hoa sống trong nước vậy mà nước không thể chạm vào nó được. Hoa sen không trốn lên hang động Himalaya; nó sống trong nước và vậy mà vẫn còn xa xôi, xa xăm. Sống trong bãi chợ nhưng đừng cho phép bãi chợ đi vào bản thể bạn, sống trong thế giới vậy mà không phải là của thế giới - đó là điều được ngụ ý bởi "tâm thức chứng kiến." 

Đó là điều tôi ngụ ý bằng việc nói đi nói lại với bạn: Hãy nhận biết! Tôi không chống lại hành động, nhưng hành động của bạn phải được chiếu sáng bởi nhận biết. Những người chống lại hành động, họ nhất định mang tính kìm nén - và tất cả mọi loại kìm nén đều làm cho bạn bệnh hoạn, không toàn thể, không lành mạnh. 

Các sư sống trong tu viện, Cơ đốc giáo hay Hindu giáo; các sư Jainas và sư Phật giáo, những người đã trốn khỏi cuộc sống - họ không phải là sannyasin thực. Họ đơn giản đã kìm nén ham muốn của mình và họ đã đi khỏi thế giới này, thế giới của hành động. Bạn có thể là nhân chứng ở đâu nếu bạn đi ra khỏi thế giới của hành động? Thế giới của hành động là cơ hội tốt nhất để mà nhận biết. Nó cho bạn thách thức, nó vẫn còn thường xuyên là thách thức. 

Hoặc bạn có thể rơi vào giấc ngủ và trở thành người làm; thế thì bạn là phàm nhân, là tay mơ, là nạn nhân của ảo tưởng - hoặc bạn có thể trở thành nhân chứng và vậy mà vẫn sống trong thế giới này; thế thì hành động của bạn có phẩm chất khác của nó. Nó mới thực là hành động. Những người không nhận biết, hành động của họ không thực là hành động mà là phản động; họ chỉ phản ứng. Ai đó xúc phạm bạn và bạn phản ứng. Thử xúc phạm Phật mà xem: ông ấy không phản ứng - ông ấy hành động. Phản ứng phụ thuộc vào người khác - người đó nhấn nút và bạn chỉ là nạn nhân, là nô lệ; bạn vận hành như cái máy. 

Người thực, người biết nhận biết là gì, không bao giờ phản ứng; người đó hành động từ nhận biết riêng của mình. Hành động không tới từ hành động của người khác; không ai có thể ấn phím của người đó được. Nếu người đó cảm thấy một cách tự phát rằng đây là đúng để làm, người đó làm nó; nếu người đó không cảm thấy cái gì cần thiết cả, người đó giữ yên tĩnh. Người đó không mang tính kìm nén; người đó bao giờ cũng cởi mở, diễn cảm. Cách diễn đạt của người đó là đa chiều. Trong bài ca, trong thơ ca, trong điệu vũ, trong tình yêu, trong lời cầu nguyện, người đó đều tuôn chảy. 

Nếu bạn không trở nên nhận biết, thế thì chỉ có hai khả năng: hoặc bạn sẽ mang tính kìm nén hoặc mê đắm. Cả hai cách bạn vẫn còn trong tù túng. 

Trích từ "Dhammapada: Con đường của Phật - tập 4"